Những món ăn gây ấn tượng nhất định phải thử ở Nam Định

Danh sách những món ngon Nam Định gây ấn tượng du khách gần xa

Bánh nhãn

Bánh nhãn không làm từ quả nhãn như tên gọi mà làm từ gạo nếp. Món bánh nhãn xa xưa được người dân dùng để tiến vua, có thể thấy đó là món bánh ngon mang cả tâm tình của người Nam Định. Ngày nay bánh nhãn được bày bán trên nhiều đường phố ở huyện Hải Hậu và nhiều nơi khác trong tỉnh.

Bánh nhãn. Ảnh: @linhtrang2812

Gạo nếp làm bánh hạt phải đều, đem ngâm nước, cho vào cối xay rồi dùng vải dày lọc lấy bột. Bột gạo nhào cùng với trứng gà ta cho thật đều. Trứng để làm bánh phải đều đặn và có lòng đỏ màu vàng tươi. Sau khi nhào nặn nhiều lần để thành khối bột dẻo, mềm nhưng không dính tay thì bắt đầu vê thành từng viên tròn như trái nhãn, rồi chiên trên chảo mỡ lợn đun sôi.

Ảnh: @alice.ngg

Bánh gai

Bánh gai Nam Định nổi tiếng dẻo thơm. Vị ngon bánh gai xuất phát từ bột nếp trộn bột lá gai, nhân làm bằng đỗ xanh bùi béo. Từ ngàn xưa, người dân Nam Ðịnh vẫn có truyền thống làm bánh gai. Do đó thường nhà nào cũng có trồng lá gai để làm bánh.

Bánh gai Nam Định. Ảnh: Foody.

Người Thành Nam trước đây nổi tiếng hơn cả với bánh gai Cầu Ốc thuộc xã Lộc Hòa, thành phố Nam Định. Bánh gai Cầu Ốc đặc biệt hơn là nhân được làm bằng hột bàng và gói bằng lá chuối ngự khô. Bánh gai Cầu Ốc ngọt, bùi, thơm mùi lá gai, béo ngậy của hạt bàng.

Ảnh: Báo Người lao động.

Bánh xíu páo

Bánh xíu páo có hình dáng nhỏ xinh là món bánh của người Hoa. Chiếc bánh trông giống bánh bao chiên nhưng nhân như bánh nướng và vỏ ngoài giống bánh pía Sóc Trăng. Nguyên liệu làm bánh gồm bột mì, thịt, trứng, mỡ lợn và một số gia vị truyền thống.

Ảnh: @kc.foodshop

Để làm bánh ngon, người ta thường ướp thịt lợn với tỏi băm, ngũ vị hương, dầu hào, mật ong rồi đem rán cho đến khi chuyển sang màu cánh gián. Thịt xá xíu cắt nhỏ trộn với mộc nhĩ, mỡ lợn và nửa quả trứng gà luộc làm nhân.

Ảnh: @kc.foodshop

Vỏ bánh làm từ bột mì. Khi nướng, người ta quết lớp dầu và trứng để bánh không bị cháy. Khi nặn bánh, người làm bánh cũng phải cẩn thận để khi chín, bánh tạo ra từng lớp vỏ mỏng xếp chồng lên nhau. Chiếc bánh xíu páo khi ra lò vỏ giòn, cắn không vỡ mới đạt chuẩn.

Ảnh: Út Liên/VnExpress.

Kẹo sìu châu

Đến Nam Định vào những ngày đầu xuân, du khách sẽ thấy kẹo sìu châu được bày bán khắp nơi. Nguyên liệu làm kẹo sìu châu là lạc, hoặc lạc lẫn vừng, đường, gạo nếp thơm hoặc mạch nha. Lạc được chọn lựa rất kỹ, đều nhau, mẩy, vỏ hồng cánh sen và ăn béo ngậy. Đường làm kẹo là loại đường kính trắng hảo hạng. Kẹo có hình chữ nhật, dài và to bằng ngón tay.

Kẹo sìu châu thơm ngon. Ảnh: @twinklenamdinh

Miếng kẹo giòn tan có vị béo ngậy của vừng và lạc, ngọt thanh của đường và mùi thơm của nếp cái hoa vàng. Kẹo sìu châu ăn không bị dính răng như các loại kẹo lạc khác, có thể để rất lâu không bị hư. Kẹo có thể có màu vàng hoặc nâu hồng, trông như hổ phách.

Ảnh: VOVTV.

Nem nắm Giao Thủy

Nem nắm Giao Thủy được xếp vào một trong những món ngon độc đáo, bởi nguyên liệu chính là thịt, bì lợn trộn với thính gạo cùng gia vị… dần phổ biến khắp nơi. Để có món nem ngon thì khâu chế biến phải khá cầu kỳ. Thịt để làm nem phải là thịt lợn mông ngon.

Nem nắm Giao Thủy. Ảnh: Báo Công Thương.

Sau khi lọc bì và nạc, phần thịt nạc được luộc còn hơi tái, rồi thái mỏng, dần thịt cho mềm. Khâu làm bì rất kỳ công, phải chọn bì thăn, ngâm với muối, rửa sạch và luộc vừa chín tới, dùng dao thái mỏng. Nguyên liệu làm nên mùi thơm chủ đạo của nem nắm Giao Thủy là thính. Thính được làm từ gạo tám thơm Hải Hậu mới dậy mùi.

Ảnh: Bích Vũ/Dân Việt.

Thính sẽ được trộn đều với bì lợn và thịt lợn cùng nước mắm, tỏi, vừa trộn vừa bóp kỹ sao cho nguyên liệu ngấm đều vào thịt và bì, thịt quện lấy thính, thính bám chặt vào bì… Sau đó nem được nắm chặt lại và gói với lá sung, lá đinh lăng và bọc ngoài bằng lá dong.

Bún đũa Thành Nam

Chỉ bán ở vỉa hè, bún đũa Thành Nam vô cùng hấp dẫn với nước dùng thơm lừng, béo ngậy cùng những cọng bún to tròn ẩn dưới mỡ hành, gạch cua, giá đỗ, rau… Bún thường ăn kèm với rau muống, rau cải, rau kinh giới. Bún đũa có vị ngọt đậm, hơi chua, thơm dậy mùi cua đồng. Là món ăn không nặng bụng có thể ăn ở bất kỳ thời gian nào.

Bún đũa. Ảnh: kyluc.vn

Xôi xíu Nam Định

Xôi xíu gồm xôi trắng đồ từ loại gạo nếp dẻo thơm. Xôi ăn cùng với thịt xá xíu, lạp xưởng và nước xốt thơm, đậm đà có vị cay nồng của tiêu. Bát xôi dọn ra khi khách gọi vẫn còn nghi ngút khói. Thực khách chỉ cần trộn đều bát xôi rồi thưởng thức, vị thơm thơm của nếp, vị ngọt của thịt hầm mềm khiến ai cũng xuýt xoa.

Xôi xíu. Ảnh: Dân Việt.

Bánh cuốn làng Kênh

Thuở xưa, bánh cuốn làng Kênh là một trong những món ngon nức tiếng. Thời nhà Trần, bánh cuốn luôn được các vua quan yêu thích. Nhiều người ví von bánh cuốn làng Kênh là loại bánh trắng như bông, mỏng như lụa và mềm như đôi môi thiếu nữ nên rất được ưa chuộng.

Bánh cuốn làng Kênh. Ảnh: VnExpress.

Bánh cuốn được làm từ gạo Mộc Tuyền pha với gạo cũ. Các công đoạn làm bánh vô cùng khéo léo, tinh tế mới cho ra thành phẩm hoàn chỉnh. Bánh cuốn làng Kênh ăn với nước mắm ngon vắt thêm chanh ớt, rau mùi rau húng, chả quế ngon… Tạo thành món đặc sản khó quên ở Nam Định.

Ảnh: Báo Thanh niên.

Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *